Đi tìm Nước Trời - BẠCH CÂU 24H

Tin mới

Post Top Ad

GIÁO PHẬN THANH HÓA

Post Top Ad

GIÁO PHẬN THANH HÓA

Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

Đi tìm Nước Trời

Hằng năm, Phúc Âm trong thánh lễ nhắc nhở Kitô hữu chúng ta đi tìm Nước Trời (1). Có thể nói khái niệm Nước Trời bao gồm tất cả mọi chủ đề về ơn cứu độ. Đức Giêsu không những thường xuyên nói về Nước Trời mà còn dẫn giải qua nhiều dụ ngôn hơn bất kỳ chủ đề nào khác trong Tân Ước. Người khẳng định, “Trước hết hãy tìm Nước Trời và đức công chính của Chúa, còn mọi sự khác Chúa sẽ thêm cho” (Mt 6:33). Cốt tủy của câu nói này không đơn giản như những gì chúng ta mới chỉ đọc lướt qua. Nhưng trước hết, Nước Trời là một chọn lựa triệt để trên hết mọi sự. “Nước Trời ở đâu, bao giờ có?” Cách đây 2000 năm đã có ông Pharisêu hỏi Đức Giêsu như vậy. Ông ta tưởng Nước Trời là danh xưng nói về một triều đại mới cho dân Do Thái. Đức Giêsu trả lời, “Nước Trời không thể thấy nhãn tiền. Người ta không thể nói ‘ở đây’ hay ‘ở kia’, vì Nước Trời đang ở giữa các ông” (Lc 17:19-20). Cám ơn ông Pharisêu, vì nhờ ông đặt câu hỏi mà chúng ta biết Nước Trời đang ở giữa chúng ta.
Đi vào Nước Trời là dấn thân vào một cuộc cách mạng

Theo sách Giáo Lý Công Giáo, “Để chu toàn Thánh Ý Chúa Cha, Đức Kitô đã khai nguyên Nước Trời nơi trần gian” (2). Như vậy Nước Trời phải hiện diện trong dòng lịch sử của nhân loại. Danh xưng Nước Trời không có nghĩa là một quốc gia ở trên trời mà chỉ có ý nhấn mạnh nguồn gốc từ trời. Tuy nhiên Nước Trời không đóng khung trong một lãnh thổ, nên con người “không thể thấy”. “Nước Trời ở giữa các ông” nghĩa là ở trong tâm hồn của mỗi người. Nước Trời khi nào đến? Đức Kitô khuyên bảo, “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần" (Mt 4:17). Nước Trời đã “đến gần”, ngay kế bên, nhưng chỉ tâm hồn nào biết hoán cải, tâm hồn ấy mới thấy và mới vào được Nước Trời (Mt 3:18-23). Do đó “đi tìm Nước Trời” là dụ ngôn nói về hành trình đổi mới tâm hồn, trong một ý thức hệ mới, và với một nền tảng giá trị mới về đời sống.

Rồi chúng ta sẽ thấy sự đổi mới mang những giá trị khác thường, vượt ra ngoài đường lối tư duy của con người. Chấp nhận những nguyên lý mới này là chấp nhận một cuộc cách mạng nhân sinh. Từ đó nhân loại sẽ tiến tới nền văn minh tuyệt đỉnh. Sau đây tôi xin nêu ra một vài giá trị tiêu biểu.

Abba! Cha ơi! (Ga 4:6). Đức Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện với Thiên Chúa,“Lạy Cha (abba) chúng con ở trên trời” (Mt 6:9; ). Trong văn hóa Do Thái “Abba” là tiếng xưng hô rất thân mật khi con cái nói chuyện với cha. Gọi Thiên Chúa là Cha đi ngược với tín ngưỡng thời đại, đến nỗi các chức sắc Do Thái không chịu nổi, họ kết án Đức Giêsu tội phạm thượng. Cho đến nay, ngoại trừ Kitô giáo, nhân loại chưa hề có một tôn giáo nào gọi Thượng Đế là Cha. Đức Giêsu đã mạc khải mối liên hệ Cha con giữa Đấng Tạo Hóa và loài người (Ga 4:6; 1Ga 3:1; Rm 8:15). Suy ra tứ phương thiên hạ đều là anh em cùng một Cha, sống trong cùng một nhà. Nguyên lý cùng một Cha đã hủy bỏ óc phân chia giai cấp và kỳ thị chủng tộc. Sự bình đẳng về nhân phẩm có tính cách đại đồng này là căn gốc của một nền văn minh tiến bộ mà con người phải vươn tới.

Ai yêu cha mẹ hơn yêu Ta không xứng đáng với Ta (Mt 10:37). Danh xưng “Ta” không nói về Đức Giêsu như một người phàm so đo với người khác. Người nói câu này trong vị thế là Đấng Emmanuel (Thiên Chúa ở giữa dân). “Ta” là hiện tính Thiên Chúa, là nguồn chân lý và mọi giá trị của sự sống. Thiên Chúa là Đấng toàn mỹ, Người không cần bất cứ điều gì từ loài thụ tạo. Thiên Chúa muốn chia sẻ sinh lực yêu thương hoàn hảo vô vị kỷ với con người. Đối với những ai yêu cha mẹ trong ích kỷ mù quáng, tự kiêu gia tộc, nặng mùi xôi thịt, bất chấp lẽ công chính của Thiên Chúa thì người ấy không xứng đáng vào Nước Trời. Vì Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và niềm vui siêu việt trong Đức Thánh Linh (Rm 14:17). Đức Giêsu đã nâng cao cha mẹ lên, đặt đạo hiếu vào trong tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Ai ở trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa (1 Ga 4:16). Xã hội sẽ là nơi lòng thân ái và chân lý gặp nhau (Tv 58:10), nhờ đó xã hội sẽ có tình đồng cảm. Điều này quan trọng hơn bao giờ vì trong thời đại chúng ta tính vô cảm đang càng ngày càng phát triển.

Coi kẻ thù như là người nhà (Mt 10:36). Dù nhìn theo góc độ nào, kẻ thù vẫn là kẻ nguy hiểm. Khi ta đặt quyền lợi gia đình của mình trên quyền lợi của gia đình khác, tức khắc trong mắt ta thiên hạ là người dưng. Ai xâm phạm lợi nhuận gia tộc ta, kẻ đó là kẻ thù cần phải trừ khử. Đức Giêsu cho biết tiêu diệt kẻ thù không phải là giải pháp đúng, vì những cuộc trả đũa sẽ dẫn tới sự hủy diệt. Cuộc sống sẽ chỉ có ganh tỵ, lường gạt và đầy bạo động. Đức Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin Cha tha nợ cho chúng con, cũng như chúng con tha tội cho những kẻ mắc nợ chúng con.” Suy ra chính danh kẻ thù không phải là con người mà là tội lỗi. Tất cả chúng ta ai cũng có tội. Vì vậy chúng ta tha thứ cho người để chính mình cũng được tha thứ. Khi con tim biết tha thứ, con tim sẽ thấy kẻ thù cũng là người bất toàn như mình. Mọi người đều là con của một Cha chung, hơn nữa còn là người nhà. Sự hoán chuyển “kẻ thù” thành “người nhà” chính là hình ảnh trong Thánh vịnh: công chính và hoà bình hôn nhau (Tv 58:10). Đây là cốt tủy của nguyên lý hòa bình, nguyên lý này đã dẫn tới cuộc cách mạng bất bạo động của thánh Gandhi (3).

Ông chủ phát lương cho người thợ đến vào cuối ngày cũng bằng với người làm việc cả ngày (Mt 20:1-16). Những người thợ đến vào giờ cuối là những người bị bỏ rơi trong xã hội, loại “untouchable” (không ai dám đụng tới) (4). Sự hiện diện của họ chỉ là những con số trong bản thống kê. Họ chỉ được giới quan chức và giới quyền quí nhắc đến vào giờ chót. Để cụ thể hóa một ý thức mới, Đức Giêsu đã đóng vai một vị lãnh đạo (ông chủ vườn nho). Ông này trả tiền công cho những người thợ đến sau bằng với những người thợ đến trước. Ông chẳng có lý do nào khác ngoài lòng  nhân từ. Vị lãnh đạo phải là người để tâm đến những kẻ bất hạnh, bị bóc lột, bị ngược đãi, bị bỏ rơi. Giới lãnh đạo phải lo cho họ, không phải vì vấn nạn an sinh xã hội, nhưng trước hết vì có lòng yêu thương. Đối với Nước Trời, nếu bỏ công giúp người mà không có lòng bác ái đi kèm thì có nhảy vào lửa cũng chưa đúng nghĩa (1 Cor 13:3). Đức Giêsu đưa ra thang giá trị đạo đức mới cho giới lãnh đạo. Đừng sống trong tách biệt giai cấp. Cốt lõi nâng đỡ sự sống là lòng bác ái. Mặc dù vẫn biết mọi người đều bình đẳng về phẩm giá, nhưng làm sao những người đầy ưu thế trong xã hội dám đến với giới cùng mạt nếu không có lòng bác ái.

Người lớn nhất trong Nước Trời là người hạ mình xuống như trẻ thơ (Mt 18:1-4). Trẻ nhỏ thường ôm một món đồ chơi, chẳng hạn con thú nhồi bông, rồi coi như bạn ruột. Chúng đối xử rất thân thương với “người bạn” ấy. Trí óc trẻ thơ không sai chút nào. Trí óc và tâm hồn chúng không để tâm đến cái vỏ bề ngoài, nhưng nhìn thẳng vào nguyên lý của sự sống là tình yêu và niềm an ủi. Vì vậy Đức Giêsu nói, Nước Trời là của những ai giống như trẻ thơ (19:14). Người lớn hầu như không thể có tâm buông xả như trẻ thơ, nhưng đầy những vướng mắc vào lớp vỏ ngoại thân. Tài sản, danh vị càng lớn sự vướng mắc càng nhiều. Đức Giêsu đã phải buông lời than, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Trời (Mt 19:23-24). Nước Trời không tuyển lựa người nghèo hay người giàu, cũng chẳng chọn người thông thái hay người khờ dại, Nước Trời là của tất cả những ai có tâm hồn thuần khiết đón nhận phúc âm như trẻ nhỏ. 
Hình ảnh thực tiễn của người đi tìm Nước Trời

Nước Trời mang lại ý nghĩa cho sự hiện hữu của con người, vì vậy con người luôn luôn được thúc đẩy đi tìm Nước Trời. Đức Giêsu ví Nước Trời như hạt trân châu quí. Có người lái buôn gặp được bèn bán hết những gì mình có để mua hạt châu ấy (MT 13:45-46). Bán hết những gì mình có nghĩa là từ bỏ nếp sống cũ, buông xả những hư danh phàm tục để cải đổi tâm hồn. Một ẩn ngữ khác nói rằng con đường vào Nước Trời phải qua những cánh cửa hẹp (Lc 13:24). Cánh cửa hẹp khiến người muốn đi qua phải bỏ xuống những tham dục cồng kềnh đeo trên vai mới qua lọt. Bỏ hết cho tới lúc vật cần từ bỏ cuối cùng là từ bỏ chính mình, vác thập giá mà đi (Mt 16:24-25). Từ bỏ chính mình là từ bỏ cái tôi (ego) ngạo mạn. Khi quyết tâm từ bỏ chính mình mà bị thiệt thòi, bị thất thế hay bị hãm hại (vác thánh giá), nỗi đau khổ chịu đựng lại là ơn phúc. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính vì Nước Trời là của họ (Mt 5:10).

Cuộc đi tìm Nước Trời của Thánh Inhaxio De Loyola (1491-1556) đúng thật với những lời dạy nêu trên. Inhaxio thuộc hàng quí tộc xứ Spain (Tây-ban-nha), yêu binh nghiệp và có mộng trở thành bậc Công tước. Trong trận chiến chống quân Pháp tại thành Pamplona, ông bị bắn gẫy chân khiến phải nằm liệt giường. Bệnh xá không có gì để giải khuây ngoài vài quyển sách viết về cuộc đời Chúa Giêsu và hạnh các thánh. Để giết thì giờ ông đọc những sách ấy. Rồi ông “gặp viên ngọc quí” là Lời Chúa. Sau khi khỏi vết thương ông từ bỏ nếp sống cũ, từ bỏ tất cả mọi bổng lộc và tài sản. Ông hành khất kiếm ăn và sống ẩn tu trong một hang đá trong 3 năm để chiêm niệm Lời Chúa. Đến năm 33 tuổi, ông đi hành hương tới Paris học thần học để đi tu. Tại đó ông qui tụ được một số bạn cùng chí hướng để lập ra một nhóm lo việc tu đức. Từ cộng đồng nhỏ ấy ông sáng lập ra Dòng Chúa Giêsu (Society of Jesus - Dòng Tên). Năm 1540 Đức Giáo Hoàng Phaolô III ban sắc chỉ Regimini Militantis Ecclesiae công nhận Dòng Chúa Giêsu. Ngày nay ai cũng biết Dòng Chúa Giêsu có tầm ảnh hưởng lớn như thế nào trong Giáo Hội.

Nhưng đường vào Nước Trời không phải chỉ dành cho những vị ngoại hạng như Thánh Inhaxiô, Thánh Phanxicô, Thánh Martin de Porres… Nước Trời còn thuộc về những tâm hồn đơn sơ như trẻ thơ, những người chỉ biết làm những hạnh nhỏ như hạt cải. Vì Nước Trời giống như người kia gieo hạt cải. Tuy hạt cải rất nhỏ nhưng khi nó lớn lên lại thành một cây to (Mt 13:31-32).

Thánh Thérèse de Lisieux (1873 - 1897) đã thật sự sống như vậy. Thánh mồ côi mẹ từ năm 4 tuổi. Bốn chị lớn của thánh đều là tu sĩ dòng kín. Từ bé, Têrêsa chỉ muốn đi tu như các chị, nhưng vì còn quá nhỏ nên nhà dòng từ chối. Năm 14 tuổi Têrêsa cùng cha đi hành hương Roma, cô quyết gặp Giáo Hoàng Leo XIII để xin được phép đi tu. Lời thỉnh nguyện của cô được Giáo Hoàng chấp thuận. Trở về nhà, Têrêsa gia nhập dòng kín Camêlô, lúc ấy mới 15 tuổi. Từ ngày đó đến khi qua đời, vào tuổi 24, Têrêsa chưa hề bước chân ra khỏi đan viện. Hàng ngày Têrêsa sống vui vẻ với những việc tầm thường như quét nhà, giặt áo, nấu ăn, cầu nguyện... và làm những công đức rất nhỏ như mang đến cho bác làm vườn một ly nước. Sau khi Têrêsa qua đời, mẹ bề trên gom những bút tích của thánh, rồi cho phổ biến qua tập “Truyện Một Tâm Hồn”. Bấy giờ người ta mới biết đàng sau bộ mặt luôn luôn tươi vui ấy, Thánh Têrêsa đã sống với đức khiêm hạ rất cụ thể. Thánh sống thiếu thốn về vật chất, đau đớn về bệnh lao, khép mình trong kỷ luật khắt khe, và im lặng chịu đựng những nỗi oan ức vì bị hiểu lầm. Qua Truyện Một Tâm Hồn,  người ta nhận ra Thánh Têrêsa đã tạo ra một không gian riêng để sống với Đức Giêsu như một trẻ nhỏ. Nơi đó con người chỉ cần sống với đức tin, đức khiêm nhường và lòng quảng đại là đủ mang lại ý nghĩa cho đời sống. Thánh Têrêsa viết, đừng bỏ lỡ cơ hội để làm một việc hy sinh nhỏ như một ánh mắt vui ở chỗ này, một lời thân ái ở chỗ kia. Luôn luôn làm những điều nhỏ bé với tất cả tình yêu. Đối với Thánh Têrêsa, một lời nói, một nụ cười cũng đủ làm tươi vui một tâm hồn chán nản. Ý tưởng này đã được Mẹ Têrêsa Calcutta lập lại, trong đời này nếu ta không thể làm những việc lớn, ta vẫn có thể làm những việc nhỏ nhưng với tình yêu lớn.

Nước Trời là một tổng đề bao gồm rất nhiều chủ đề không thể nói cho đủ. Một cách cô đọng, chúng ta có thể chiêm niệm lời dạy sau đây của Đức Kitô: “Không ai vào được Nước Trời nếu không được tái sinh” (Ga 3:5-7). Muốn tái sinh thành con người mới, con người cũ phải chết đi. Như hạt lúa mì gieo xuống đất phải thối đi thì mới sinh ra nhiều hoa trái. Nói cách khác, ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, ai ghét sự sống mình ở đời này thì sẽ được sự sống đời đời (Ga 4:32-40; 12:24-26). Từ chết đến tái sinh, hay từ thối rữa đến sinh hoa trái, là một tiến trình cách mạng đổi mới đầy tính sáng tạo. Tuy nhiên chúng ta vẫn chỉ là những người phàm, vì vậy Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta đến với Nước Trời trong nỗ lực của những kẻ phàm tục. Mẹ Têrêsa nói, “Tôi chỉ là cây viết chì nhỏ trong tay Thiên Chúa để Người viết và gửi đi những lá thư yêu thương cho thế giới.” Đức hy sinh trong khiêm hạ của Mẹ Têrêsa là hình ảnh “sinh hoa trái” rõ nét nhất cho thời hiện đại. Chúng ta, như Mẹ Têrêsa, cộng tác vào việc phân phát tình yêu của Thiên Chúa gửi đến mọi người, một cách vô kỷ, đơn sơ, trong hoàn cảnh cá biệt của mỗi người.

Đỗ Trân Duy

------------------

(1) “Nước Trời” (Kingdom of heaven) danh xưng này được ghi lại bởi thánh Matthêu (Mt 4:17, 5:3, 10, 19-20). Trong khi đó thánh Luca gọi là “Nước của Thiên Chúa” (Kingdom of God - Lc 8:1). Một số người cho rằng hai danh xưng này có nghĩa khác nhau. Thật ra Đức Giê-su dùng cả hai danh xưng cùng một lúc với cùng một ý nghĩa. Người đã nói với các môn đệ: "Thầy bảo thật anh em, người giàu khó vào Nước Trời. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa." (Mt 19:23-24). Thánh Phaolô có lúc còn gọi là “Nước của Đức Kitô và Thiên Chúa” (the kingdom of Christ and God – Ep 5:5).

(2) Giáo Lý Công Giáo số 541. Nguyên văn lấy từ bản Lumen gentium ( Hiến chế về Hội Thánh) của Công Đồng Vatican II.

(3) Thánh Gandhi cho biết “bài giảng trên núi” về 8 mối phúc đã được ông ghi lại và luôn luôn giữ bên mình để làm chỉ đạo cho cuộc tranh đấu bất bạo động dành độc lập cho nước Ấn Độ.

(4) Untouchable (không thể đụng chạm) và unclean (ô uế) là những danh xưng ông Gandhi dùng để chỉ những người thuộc giai cấp cùng mạt trong xã hội Ấn Độ. Họ là những người lao động làm nhưng việc như dọn dẹp cầu tiêu hay chôn xác chết… Họ không được đụng chạm vào người ở những giai cấp khác và những người này cũng không muốn đụng chạm vào họ vì sợ bị ô uế. Vì vậy họ là những người bị bỏ rơi. Trong khi đó Mẹ Têrêsa Calcutta lại cố tình đến với những người untouchable và unclean.c

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Top Ad

GIÁO PHẬN THANH HÓA